Nên chọn bàn phím có dây hay không dây để chơi game, hay sự khác biệt giữa bàn phím có dây vs bàn phím không dây trong gaming

Công nghệ - 11/05/2021

Chỉ cần search ‘bàn phím không dây’ thì sẽ thấy hàng loạt câu hỏi tương tự hiện lên đầu, đủ để hiểu dân tình quan tâm tới vấn đề này cỡ nào? Nên hôm nay mình cùng bàn tròn thảo luận xem nên dùng wired hay wireless để chơi game nhé.

Bàn phím cơ KHÔNG DÂY?

Nói tới bàn phím cơ không dây thì rõ là mình có 2 loại chủ yếu:

1/ Không dây dùng đầu thu sóng 2.4GHz

Những mẫu này thường đi kèm với một đầu thu tín hiệu từ bàn phím giúp kết nối bàn phím với máy tính không dây. Tuy nhiên chiếc USB nhỏ xíu xiu này dễ lạc hay rơi mất vô cùng, kể cả khi có khe giữ đầu thu ở mặt sau bàn phím. Nếu kiểu bàn phím đang dùng có thêm kết nối có dây thì khi mất đầu thu may ra vẫn ok, còn chỉ có kết nối qua đầu thu mà lạc mất thì xem như toang rồi.

USB-receiver

2/ Không dây dùng kết nối Bluetooth

Vẫn không dây nhưng bạn không cần một đầu thu tín hiệu. Mọi thứ bạn cần là bàn phím cơ có Bluetooth và máy tính có Bluetooth. Nếu máy tính không có thì bạn sử dụng một USB phát Bluetooth là có thể sử dụng rất nhanh và tiện lợi. Nếu đầu phát sóng Bluetooth bị mất, bạn hoàn toàn có thể mua cái khác cho máy tính của mình mà không gặp trở ngại nào như những bàn phím không dây có sử dụng đầu thu.

Hiện nay đã có rất nhiều bàn phím không dây trên thị trường (kể cả bàn phím cơ và bàn phím màng). Nhưng khi nói cụ thể tới bàn phím cơ chơi game thì đa phần mọi người đều cho rằng có dây sẽ phù hợp hơn. Bàn phím cơ không dây thường nên dùng cho các công việc văn phòng, gõ máy, lập trình: không cần tốc độ quá nhanh, độ trễ không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuối cùng, độ chính xác không cần ở mức quá quá cao. Nguyên nhân là vì các công việc trên thường cần một bàn làm việc gọn gàng, ngăn nắp, bàn phím chiếm ít không gian, giảm thiểu sự lộn xộn càng nhiều càng tốt.

Bên cạnh đó bàn phím không dây còn giúp người dùng di chuyển tiện lợi hơn, cho cả quãng xa hoặc quãng gần. Muốn làm việc/ công tác ở đâu chỉ việc xách bàn phím mang đi là xong, không cần dây luộm thuộm. Còn với game thủ thật ra nhu cầu di chuyển không nhiều, trừ những giải đấu, những trận so tài face-to-face mà thật ra cũng khá hiếm. Đa phần gamer sẽ ngồi nhà, yên tĩnh, tập trung chiến game.

Bàn-phím-cơ-bluetooth-filco-minila-r-convertible

Nói ngắn gọn thì bàn phím cơ không dây (kết nối Bluetooth) sẽ có 4 lợi thế sau đây:

1/ Tha hồ muốn làm việc ở đâu cũng được không giới hạn về bàn làm việc hay không gian

2/ Set up bàn làm việc nhanh chóng, không cần kết nối dây rối mắt

3/ Có thể kết nối với mọi thiết bị: từ smart phone, tới máy tính bảng, laptop và PC đều ổn.

4/ Không cần lo nghĩ về các kiểu dây: như kiểu bàn phím cáp rời thì hay lo quên cáp ở nhà, cáp liền thì lâu lâu coi lại xem có bị chuột gặm hay em cún ở nhà nhăm nhi không. Thì bàn phím không dây Bluetooth không cần phải lo lắng gì nữa.

Vì sao gamer thích chơi game với bàn phím CÓ DÂY?

Hầu hết các bàn phím chơi game tốt nhất trên thị trường đều là dạng có dây. Điểm khác biệt lớn nhất khiến các game thủ luôn tìm đến bàn phím có dây để gaming chính là vì “Bàn phím có dây nhạy hơn bàn phím không dây”. Ta sẽ tuyệt đối không gặp phải các vấn đề độ trễ, nhạy phím, không phản hồi với các tổ hợp phím phức tạp hay thậm chí là không nhận diện được các lệnh nhập đơn giản như ở bàn phím không dây (tất nhiên không phải là tất cả, mình chỉ đang nói tình hình chung). Cụ thể với các bàn phím có dây thời gian độ trễ đôi khi giảm được từ 1ms tới tối đa 79ms so với kết nối không dây, và trong các game phản ứng nhanh như Fortnite, Valorant, và Apex Legends thì nhiêu đó thôi đã rõ phân thắng bại.

How to use a keyboard and mouse on a PS4 to play games - Business Insider

Và một lý do quan trọng nữa đây: bàn phím có dây thì không cần phải thay pin như bàn phím không dây. Tưởng tượng đang chơi game thật căng mà bị tắt nguồn vì hết pin thì cảm giác như nào.

So về mặt bằng giá, bàn phím cơ chuyên game có dây trên thị trường có nhiều range giá khác nhau, từ trung bình tới cận cao và cao cấp. Và ở cùng mức giá, một bàn phím cơ không dây luôn có giá đắt hơn khá nhiều so với cùng tính năng chất lượng nhưng thuộc loại có dây. Cho nên quẹo lựa là trước tiên gamer sẽ ưu tiên cho các lựa chọn có dây.

Một lý do khác, nhỏ hơn nhưng cũng ảnh hưởng khá nhiều: chơi game thì phải dùng bàn phím cơ. Mà các model bàn phím cơ Bluetooth hoặc kết nối đầu thu không dây lại không có quá nhiều lựa chọn. Số lượng chắc chỉ bằng 1/10 các model bàn phím cơ có dây. Nên việc trung thành với bàn phím có dây của các gamer cũng là có lý do.

Thực tế khi so sánh tốc độ giữa bàn phím có dây vs không dây kết quả ra sao?

Mọi người vẫn luôn nói về độ trễ của bàn phím không dây, nên từ một số diễn đàn đã có các chuyên gia về bàn phím thử test tốc độ của các bàn phím có dây vs không dây để xem sự khác biệt có thật sự lớn như đã luôn nghĩ hay không.

Kết quả reaction của bàn phím có dây

Kết quả reaction của bàn phím không dây

Có thể thấy từ kết quả test reaction: thời gian phản ứng trung bình cho bàn phím có dây là 0.2552 giây, trong khi ở bàn phím không dây là 0.3342 giây. Nghĩa là độ chênh lệch đang ở khoảng 79 ms.

Khoảng chênh lệch này không là gì nếu bạn dùng bàn phím cho công việc hay gõ máy thông thường, nhưng nếu dùng để chơi game tốc độ nhanh thì mọi chuyện lại rất khác. Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, nếu chỉ chơi game thư giãn, cần sự tỉ mỉ chậm rãi thay vì những pha hành động nhanh, khẩn cấp thì việc dùng bàn phím có dây hay không dây không tạo ra khác biệt nào đáng kể.

Có cách nào để tăng độ reaction của một bàn phím không dây khi chơi game không?

Nếu rất thích sự gọn gàng năng động của bàn phím cơ không dây mà vẫn muốn dùng để chơi game chuyên thì liệu có cách nào tăng độ reaction của bàn phím lên không? Chỉ một cách duy nhất, nhưng cũng không hoàn toàn chế ngự được độ trễ vốn là đặc trưng của các bàn phím không dây: đổi bộ switch với khoảng truyền động thấp hơn.

Cách thứ hai là chọn các bàn phím có quãng đường truyền động thấp và độ nhạy phím cao hơn. Ví dụ như hiện giờ bàn phím cơ Razer Huntsman đang rất thịnh hành trong giới gamer vơi switch quang học Razer siêu nhanh nhạy rất lý tưởng để chơi game.

Cách thứ ba là chọn các bàn phím cơ có khả năng điều chỉnh độ nhạy phím tùy theo mục đích dùng, phổ biến nhất là các dòng phím cơ Topre Realforce có tính năng APC, hay Apex Steelseries Pro cũng có khả năng tương tự.

Tương lai liệu sẽ thế nào?

Ai cũng mong muốn bàn chơi game/ bàn làm việc của mình gọn gàng, thông thoáng và nhiều không gian cho di chuột nhất có thể. Và ai cũng hy vọng Bluetooth trong tương lai sẽ có nhiều công nghệ mới hơn để theo kịp độ nhạy và tốc độ của các bàn phím có dây. Nhưng từ đây tới đó rõ ràng là có rất nhiều thứ để xử lý, không chỉ là tốc độ mà còn là khả năng bị nhiễu trong môi trường có nhiều kết nối Bluetooth, độ ổn định của kết nối trong suốt quá trình gaming và đặc biệt là thời gian sử dụng pin.

Nếu cả 4 yếu tố trên đều có sự thay đổi vượt bậc và cải tiến nhanh hơn hiện tại, thì chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi ở các thế hệ bàn phím cơ gaming không dây nhanh không thua kém bàn phím có dây chút nào.

0 bình luận, đánh giá về Nên chọn bàn phím có dây hay không dây để chơi game, hay sự khác biệt giữa bàn phím có dây vs bàn phím không dây trong gaming

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
0.02999 sec| 2484.422 kb