Cơ bản cấu tạo Switch bàn phím cơ

Công nghệ - 19/11/2020

Nói đến bàn phím cơ, một trong số những yếu tố đầu tiên được cân nhắc là “cảm giác gõ”. Cũng đúng thôi, cảm giác gõ có lẽ là điểm khác biệt rõ ràng nhất, đem lại sức hút lớn nhất của bàn phím cơ so với các loại bàn phím thông thường. 

Cảm giác gõ thực tế là một khái niệm không quá rõ ràng, và càng tìm hiểu sâu thì người chơi sẽ càng tìm ra nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nó. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa nó là cái gì đó quá phức tạp. Cảm giác gõ phím, cuối cùng cũng chỉ là cảm nhận của riêng mỗi người, và thứ chúng ta có thể cảm nhận rõ nhất chính là Switch. 

MX và phần còn lại

Một điều cần làm rõ luôn, đó là có rất nhiều thiết kế Switch bàn phím khác nhau. Đối với nhiều người, khái niệm bàn phím cơ học có thể còn tương đối mới mẻ, nhưng thực chất nó đã xuất hiện từ những năm 1970 kèm với những bộ máy tính cổ thời đó. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, bàn phím cơ mất dần thị phần vào bàn phím cao su (rubber-dome), với chi phí sản xuất và vòng đời thấp hơn nhiều, phù hợp với cách thức phát triển của công nghệ hiện đại. Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, bàn phím cơ mới dần quay trở lại dưới dạng một “thú chơi”, và như chúng ta đã thấy, đang ngày càng có những bước phát triển mạnh mẽ. 

Trong vô vàn thiết kế Switch bàn phím từ trước đến nay, chắc chắn thiết kế dạng MX của Cherry là phổ biến nhất. Ở thời điểm hiện tại, đại đa số các loại bàn phím hãng bán ra thị trường đều sử dụng các loại Switch MX, các loại Switch được sản xuất hướng đến người chơi custom cũng vận dụng thiết kế này. Phổ biến nhất, không có nghĩa MX Switch là ngon nhất. Cảm giác gõ có tính chủ quan rất cao, và có không ít người chơi đánh giá các loại Switch khác, như Alps, IBM Buckling Springs… tốt hơn so với MX.

Mức độ phổ biến vượt trội ở thời điểm hiện tại của thiết kế MX của Cherry, theo mình, đến từ một vài yếu tố như sau. Thứ nhất, bản thân Cherry trước đây đã là ông trùm trong lĩnh vực này rồi. Ngoài việc sở hữu thiết kế MX Switch, Cherry còn tự sản xuất Keycaps cho các loại bàn phím của mình. Sau này, dây chuyền sản xuất keycaps ABS Doubleshot của Cherry được GMK mua lại, còn PBT dyesub được chuyển giao cho BSP, và giờ là CRP. Chính quá trình tiếp nối này giúp cho thiết kế MX tiếp cận sâu hơn tới thị trường, và thiết kế MX của cả Switch lẫn Keycaps cùng nhau phát triển. Ngoài ra, bản quyền cho thiết kế MX Switch được Cherry đăng ký năm 1984 và đã hết hạn từ lâu, mở đường cho hàng loạt đơn vị của Trung Quốc sản xuất ra các loại Switch MX “Clone”, như Gateron, Outemu, Kailh, Durock…với nhiều mức giá thành và cải tiến mới, qua đó càng củng cố mức độ phổ biến tuyệt đối của thiết kế này. Cũng vì lý do này, phần lớn thông tin trong bài viết này sẽ áp dụng cho MX Switch. 

Kết cấu của Switch 

Switch bàn phím, nói một cách đơn giản nhất, là bộ phận cơ học dưới mỗi phím giúp nhận lệnh của mỗi lần gõ. Để dễ hình dung các bộ phận cơ bản của một switch, các bạn tham khảo hình sau:

Số 1: Keycap gắn lên switch. Như trên đã phân tích, tuyệt đại đa số các mẫu keycaps được sản xuất hiện tại đều vận dụng thiết kế MX mount. 

Số 2: Stem, hay còn lại là Slider, là thành phần trượt lên xuống bên trong switch.

Số 3: Phần vỏ bên trên (Top housing).

Số 4: Lò xo (Spring) – lực của lò xo quyết định độ nặng nhẹ của switch, ảnh hưởng trực tiếp đến cảm giác gõ.

Số 5: Phần vỏ bên dưới (Bottom housing) – là phần được cố định và hàn vào mạch bàn phím (PCB).

Số 6: Lá đồng – hiểu đơn giản là bộ phận giúp mạch nhận lệnh gõ phím.

Phân loại Key Switch theo cảm giác gõ

Linear: cảm giác gõ trơn tuột từ đầu đến cuối, không có khấc (bump) và cũng không có tiếng clicky. Một số ví dụ: Cherry MX Black, Cherry MX Red, Gateron Yellow, Novelkeys Cream v…v quá nhiều luôn. Một số yếu tố quan trọng thường được dùng để đánh giá Linear Switch bao gồm độ trơn mượt, độ ổn định (ít rung lắc) và âm thanh tạo ra khi gõ. 

Tactile: có “khấc” để thông báo thời điểm nhận lệnh, nhưng không có tiếng clicky. Một số ví dụ: MX Brown, MX Clear, Holy Panda, T1, Alps Orange v…v. Ngoài những yếu tố độ mượt, ổn định và âm thanh, yếu tố được quan tâm nhất của Tactile Switch là những đặc điểm của khấc tạo ra khi gõ. Những đặc điểm này hay dở đều tùy thuộc người chơi, có người thích khấc to rõ, tròn như của Holy Panda, có người chỉ thích nhẹ nhàng như MX Brown. 

Clicky: có khấc và có tiếng clicky, không dành cho môi trường cần yên tĩnh. Một số ví dụ: MX Blue, Kailh Box White, Kailh Box Jade v…v. Clicky Switch được nhiều người mới tìm đến phím cơ lựa chọn, vì không những khác biệt rõ rệt với bàn phím thường về cảm giác gõ, mà còn ở âm thanh. 

Một số thuật ngữ cơ bản cần lưu ý

Dựa trên kết cấu cơ bản của MX Switch như trên, người dùng có thể lưu ý thêm một số thuật ngữ sau:

Operation force: đơn giản là lực gõ, được đo lường bằng đơn vị cN (centinewton) hay gam. Chỉ số kỹ thuật của Switch thường phân biệt giữa Initial Force (lực gõ ban đầu) và Bottom Out Force (lực gõ chạm đáy). Người chơi muốn tìm hiểu sâu hơn có thể tìm Force Curve của switch, thể hiện biến thiên về lực trong cả hành trình gõ. 

 

Travel distance (hành trình): là tổng hành trình nhấn từ đầu cho đến lúc bottom out (chạm đáy). Hành trình tiêu chuẩn cho MX Switch là 4mm, một số loại MX Switch của Kailh có hành trình ngắn hơn, tầm 3.6mm.

Actuation point (điểm nhận lệnh): là một điểm xác định trong tổng hành trình khi bàn phím nhận lệnh gõ phím. Về cơ bản, actuation point thường rơi khoảng 2mm từ lúc bắt đầu nhấn (một nửa tổng hành trình); một số loại “Speed switch” thì có actuation ngắn hơn, tức là nhận lệnh nhanh hơn (thường loanh quanh 1-1.5mm) và thường được quảng cáo cho đối tượng Game thủ.  Như trên hình, điểm nhận lệnh của Cherry MX Blue là khoảng 2.2mm.

Tactile position: là điểm tạo khấc trong hành trình gõ, chỉ áp dụng cho các Tactile Switch. Như hình, điểm tạo khấc của MX Blue là khoảng 1.7mm.

Reset point: là điểm reset của Switch, tức là điểm Switch ngừng nhận lệnh trong quá trình đi lên. Reset point, tất nhiên là nằm trên điểm nhận lệnh.  Như hình, điểm reset của MX Blue là khoảng 1.6mm.

Ứng dụng cho người chơi

Nếu sử dụng các loại bàn phím làm sẵn của hãng, hay còn gọi là phím “stock”, người chơi thực tế không có nhiều lựa chọn về Switch. Các hãng sản xuất bàn phím cơ phổ biến như Filco, Leopold, IKBC…đều chỉ lựa chọn sử dụng MX Switch của Cherry (ngoài trừ vài dòng đặc biệt như Leopold Topre). Một số thương hiệu khác, chủ yếu là của Trung Quốc, lựa chọn các mẫu Switch phổ biến của Gateron (Black, Brown, Red), Outemu và Kailh. Một số sử dụng Topre Switch, nhưng giá cao và quá ít lựa chọn keycaps thay thế. 

0 bình luận, đánh giá về Cơ bản cấu tạo Switch bàn phím cơ

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
0.03232 sec| 2467.492 kb