Nên chọn layout bàn phím cơ ANSI, ISO hay JIS?

Công nghệ - 04/05/2021

Chọn được một chiếc bàn phím cơ như ý không chỉ là đúng gu, hợp cảm giác gõ, vừa túi tiền, đúng thương hiệu yêu thích mà còn là cả một quá trình “tuyển chọn” một danh sách dài nhiều yếu tố khác, có thể sánh ngang với tuyển phi tần thời xưa.

Một trong những hạng mục quan trọng, ít bạn để ý tới, nhưng về lâu dài khi dùng sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới cảm giác thoải mái khi gõ phím: layout bàn phím cơ. Khi search cụm từ này trên google có thể bạn sẽ bắt gặp hàng chục hàng trăm thậm chí là hàng nghìn bài tản mác đâu đó về khái niệm này. Nhưng hôm nay mình sẽ nói thêm một chút về riêng 3 kiểu layout bàn phím cơ này, ưu nhược điểm và nếu bạn là ai, làm gì thì nên dùng layout nào.

Layout bàn phím là gì và có bao nhiêu loại layout phổ biến

Layout bàn phím cơ là hình dạng và kích thước của các phím nằm trong một Form factor (kích thước, size) cụ thể nào đó. Layout (bố cục) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến diện mạo, kích cỡ và vị trí đặt để của các phím trên cùng một bàn phím. Layout được chọn tùy theo vị trí địa lý, thói quen sử dụng của người dùng cũng có thể làm nên một kích cỡ hay một diện mạo hoàn toàn khác lạ cho chiếc bàn phím cơ.

Hiện có 3 loại layout chính đang dùng cho các bàn phím cơ (chiếm đến 90% các layout trên toàn thế giới):

  1. ANSI thường dùng cho châu Mỹ. ANSI là viết tắt của từ American National Standards Institute (Viện tiêu chuẩn quốc gia Hoa Kỳ)
  2. ISO thường dùng cho châu Âu. ISO là viết tắt của từ International Organization for Standardization (Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế)
  3. JIS thường dùng cho châu Á và đặc biệt là Nhật Bản, JIS là viết tắt của từ Japanese Institude of Standardization (Viện Tiêu chuẩn Nhật Bản)

Cả ba dạng layout này đều là một khía cạnh hoàn toàn khác với layout trật tự logic ký tự kiểu QWERTY, hay DVORAK mà chúng ta thường hay nghe tới. Ba layout tiêu chuẩn hóa này thường khác nhau về kích thước (và đôi khi là cả hình dạng) của các phím đặc biệt trên bàn phím gồm: Enter key, Backslash, và Shift keys.

Cùng xem ba hình dưới đây để thấy rõ sự khác biệt của 3 loại layout trên cùng một kích cỡ bàn phím cơ nhé (ví dụ trong hình là cỡ mini 60%)

  

Một cách dễ hiểu hơn thì mọi người có thể xem thêm ở hình dưới này. Đây là hai kiểu layout ANSI và JIS trên cùng một cỡ mini của bàn phím Minila-R 60% với 63 phím của Filco (Nhật).

Ưu và nhược điểm của các layout tiêu chuẩn trên bàn phím cơ

Nhiều bằng chứng cho rằng mỗi loại layout được lựa chọn tùy vào vị trí địa lý, độ thông dụng, phổ biến của chúng tại khu vực họ sinh sống và phần nhiều còn phụ thuộc vào sở thích cá nhân về thói quen và tiêu chuẩn thẩm mỹ. Nhưng thật ra mỗi loại bản chất đều có ưu và nhược điểm riêng. Giờ chúng ta sẽ nói đến điểm khác biệt, so sánh điểm tốt và điểm tồn tại của hai trong số 3 layout trên nhé: ANSI vs ISO

ANSI vs ISO Layout

  ANSI ISO
Enter key Phím Enter trên bố cục ANSI là một hình chữ nhật dài không có góc cạnh nào khác. Phím Enter ISO là hình chữ L ngược
Backslash key Phím Backslash nằm phía trên phím Enter và muốn bấm ngón tay phải duỗi ra để vươn tới phím này. Backslash ở bên trái phím Enter và các ngón tay không cần với tới vẫn bấm dễ dàng.
Shift key shift có cùng kích thước với Right shift.

Phím Shift có hình chữ nhật lớn

shift chỉ có kích thước bằng 50% phím Right shift key và có cùng cỡ với phím Ctrl.

shift trong ISO được chia thành 2 phím khác nhau tạo nên một phím phụ bổ sung, thường phím phụ này có ký hiệu là <>

Right Alt key và Right Alt giống nhau về hình dạng và kích cỡ Phím Right Alt thường được thay bằng phím Alt Gr.
Số lượng phím Fullsize 104 phím. TKL 87 phím và 63 phím cho mini 60% Fullsize 105 phím. TKL 88 phím và 65 phím cho mini 60%
Khả năng tương thích keycap set bên ngoài Tính tương thích rất cao vì đa phần các keycap bộ/ lẻ đều đi theo chuẩn ANSI Các bộ keycap ISO ít phổ biến hơn. Cần xem kỹ mô tả và kích thước chi tiết khi chọn keycap cho bàn phím ISO

Bất tiện của các bàn phím tiêu chuẩn ISO

Phím Enter bị xa

Trên bàn phím theo chuẩn ISO, phím backslash thì gần nhưng phím Enter lại bị xa. Khi dùng bàn phím, tay chúng ta thường mặc định hay đặt ở hàng home row. Trong bàn phím ANSI thì từ chỗ home row, ngón út chỉ cần nhón nhẹ là chạm Enter, còn trong ISO ngón út phải vượt mặt 2 phím khác để tới được với Enter. Theo mình đây là một vấn đề về công thái học. Đơn thuần nếu nói về thói quen, nếu bạn ở khu vực địa lý chỉ có ISO thì bạn có thể sẽ quen, nhưng một cách công bằng thì phím Enter rất thường xuyên được bấm mà lại ở xa xa thế này thì rõ ràng là một bất lợi của tiêu chuẩn ISO.

Thật ra phím Backslash có quan trọng tới vậy không?

Ở ISO phím BackSlash rất gần nhưng mình đang đặt câu hỏi là liệu có cần thiết để đặt phím này ở ngay tầm tay không? Hay hỏi cách khác là nó có thật sự quan trọng đến vậy để chiếm một vị trí đắt địa thế này không? Với một số lập trình viên thì phím này thật sự rất cần và dùng nhiều, như trong các tập lệnh Command Prompt hoặc terminal window. Nhưng nếu bạn là người dùng bình thường thì có mấy ai mấy khi dùng tới phím BackSlash này?

Trong khi đó phím Enter hầu như là thao tác không thể thiếu được mỗi khi xuống dòng, nhập tài liệu mới, chỉnh sửa cắt ảnh, đặc biệt là khi duyệt web lại dùng thường xuyên hơn, nhưng lại đang ở vị trí xa xa so với tầm tay. Theo mình đây là điểm không hợp lý nhất của layout ISO.

Phím Shift còn xa hơn

Phím shift trên ISO sẽ tách làm hai phím riêng biệt. Việc này gây ra khả năng bấm nhầm phím cao hơn, vì phím phụ thường có kích thước nhỏ hơn và nằm chen lấn đâu đó trong layout chung, gần với một phím ký tự nào đó tùy vào ngôn ngữ hiện tại trên bàn phím. Nói chung rất dễ bấm nhầm. Đây cũng là một trong các lý do mà bố cục ISO ít phổ biến hơn ANSI.

Vậy tóm lại là nên dùng ANSI hay ISO?

Tất cả những khuyết điểm nói trên của ISO mà mình vừa liệt kê đã thay cho câu trả lời ở đây. Thêm một lý do nữa khiến ISO bị hạn chế là vì nó thường chỉ dùng trong phạm vi các nước châu Âu nên một số ngôn ngữ đặc biệt khác không được hỗ trợ. Bàn phím ISO vốn được sinh ra hy sinh một vài điểm công thái học để có các nút bổ sung phù hợp với ngôn ngữ của các quốc gia châu Âu.

Nếu đang dùng bàn phím có thể lập trình được thì mình khuyên bạn nên dùng ANSI, về thoải mái cài đặt thứ tự lại theo đúng ý của mình trên nền của ANSI sẽ dễ hơn rất nhiều.

Còn nếu bạn là người dùng phổ thông đại chúng thì lại càng nên dùng ANSI hơn ISO vì tính tiện dụng, công thái học cao mà nó mang lại. Chưa kể vì có hình dạng phím Enter thon dài (thay vì hình chữ L ngược) nên xét về thẩm mỹ, mình thấy ANSI cũng đẹp nhỉn hơn ISO một chút. Nhưng đây không phải là ưu điểm của ANSI hay nhược điểm của ISO mà chỉ là quan điểm cá nhân.

Thêm một lý do nữa để chọn ANSI: việc mua, thay và chơi keycap sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Vì có rất rất nhiều bộ keycap và keycap lẻ ngoài kia để bạn lựa chọn. Trong khi ISO chỉ đơn cử muốn thay phím Shift hoặc Enter thôi cũng đã là một vấn đề.

Vậy còn layout JIS là gì?

Đây thường là bố cục riêng trên các bàn phím nội địa Nhật Bản. Nó có phím Enter hình chữ L ngược, phím right shift được chia thành 2 phím, backspace cũng được chia thành 2 phím, và có thêm 3 phím nữ trong hàng của Space bar. Tóm lại, layout JIS có thêm tổng cộng 5 phím bổ sung khi so sánh với ANSI. Fullsize của JIS sẽ có 109 phím. Các phím bổ sung này đều được dùng để bổ sung cho ký tự Nhật Bản.

Hy vọng bài chia sẻ mang lại cho anh em một cái nhìn toàn diện hơn về layout tiêu chuẩn của bàn phím nói chung. Mỗi cái đều có ưu nhược điểm riêng. Mà thật ra cuối cùng thì lý thuyết là lý thuyết, ưu khuyết điểm gì thì nếu đã yêu sẽ không thể ngừng yêu được. Cuối cùng lựa chọn vẫn là ở bạn, hãy tin tưởng vào thói quen và phản xạ có điều kiện của mình khi gõ phím. Và hãy chọn một chiếc bàn phím có layout bạn thật sự quen thuộc, thoải mái hơn là một trải nghiệm mới vất vả và tốn thời gian làm quen hơn.

0 bình luận, đánh giá về Nên chọn layout bàn phím cơ ANSI, ISO hay JIS?

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
0.03102 sec| 2491.18 kb